Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc. (Ảnh: UN Photo/Jean-Marc Ferré)
Trong phiên họp thứ 29 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva vào ngày 15/6, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã cam kết bảo vệ những người bị áp bức và bị tước đoạt quyền lợi trên thế giới, với thái độ “không hề sợ hãi hay thiên vị”, cho dù nạn nhân và thủ phạm của những hành vi bức hại đó là ai.
Ngày 3/8, bốn nhóm nhân quyền quốc tế hàng đầu trên thế giới đã gửi một bức thư đến Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Hussein, trong đó kêu gọi Liên Hợp Quốc “biến lời nói thành hành động” đối với một vi phạm nhân quyền diễn ra từ nhiều năm nay tại Trung Quốc: nạn mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, tức những người bị chính quyền bắt giữ vì các lý do chủng tộc, tôn giáo, hay niềm tin của những người này, dù họ không có hành vi bạo lực hay vi phạm pháp luật.
Bốn nhóm nhân quyền trên bao gồm Hiệp hội Các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng (DAFOH), Hiệp hội đảng cấp tiến bất bạo động, Xuyên quốc gia và không phân biệt đảng phái (NRPTT), các chi nhánh Thụy Sĩ của Hiệp hội giúp những người dân bị đe dọa (GFBV) và Hiệp hội Quốc tế về Nhân quyền.
Các đại diện của bốn nhóm nhân quyền đã viết trong bức thư: “Với tư cách là các tổ chức cam kết bảo vệ quyền con người, chúng tôi quan ngại sâu sắc về hoạt động thu hoạch cưỡng bức nội tạng từ các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, đây là một tội ác chống lại loài người và vi phạm các giá trị cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Kết quả điều tra về tội ác cướp mổ nội tạng
Hoạt động mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc lần đầu tiên bị lộ ra vào năm 2006, trong đó có thông tin về việc các bệnh viện Trung Quốc tiến hành cưỡng bức mổ lấy nội tạng từ những học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần với các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn được thực hành tại nhiều nước trên thế giới. Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu đã thu thập được các bằng chứng cho thấy các bệnh viện công và bệnh viện quân sự của Trung Quốc đã tham gia vào mạng lưới buôn bán nội tạng siêu lợi nhuận từ các tù nhân lương tâm, trong đó chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, ngoài ra còn có những người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người theo đạo Cơ-đốc.
Theo ông David Kilgour và ông David Matas, hai luật sư nhân quyền điều tra về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc, ước tính có khoảng 40.000 đến 60.000 người đã bị giết vì bị lấy nội tạng. Các kết quả điều tra của hai ông đã được công bố trong báo cáo Kilgour-Matas vào năm 2006/2007 và một cuốn sách mang tên “Thu hoạch đẫm máu” được xuất bản năm 2009.
Ông Ethan Gutmann, một nhà báo điều tra nổi tiếng thế giới, đã ước tính số người chết vì bị mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc là khoảng 65.000 người. Kết quả điều tra của ông Gutmann được trình bày trong cuốn sách “Cuộc tàn sát: Giết người hàng loạt, mổ cướp nội tạng, và giải pháp bí mật của Trung Quốc đối với vấn đề bất đồng quan điểm”.
Các cuộc điều tra trên đã được chuyển tải thành một bộ phim tài liệu mang tên “Human Harvest: China’s Illegal Organ Trade” (Tạm dịch: Thu hoạch người: Hoạt động kinh doanh nội tạng bất hợp pháp của Trung Quốc). Bộ phim này đã giành được nhiều giải thưởng, gần đây nhất là giải thưởng Peabody của Mỹ được trao vào ngày 31/5.
Trên thực tế, số người bị mổ cướp nội tạng có khả năng còn cao hơn thế rất nhiều, các nhà nghiên cứu nhận định. Theo một cuộc điều tra khác mới được công bố hôm 10/6 của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), ước tính có hơn 2 triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng.
Các tù nhân lương tâm là đối tượng dễ bị bức hại
Trong cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu”, ông Kilgour và ông Matas đã chỉ ra rằng số lượng các ca cấy ghép tạng của Trung Quốc đã tăng nhanh một cách bất thường từ sau năm 1999, khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu đàn áp môn tập Pháp Luân Công. Cụ thể, hai luật sư viết: “Số lượng ca cấy ghép tạng đã tăng từ 18.500 ca trong quãng 6 năm trước cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra, cho đến 60.000 ca trong quãng 6 năm sau khi cuộc đàn áp bắt đầu”.
Trung Quốc nói rằng nội tạng dùng cho các ca ghép tạng phần lớn được lấy từ các tử tù và một số từ những người hiến tạng. Tuy nhiên, ông Kilgour và ông Matas lập luận rằng theo ước tính của Tổ chức Ân xá Quốc tế, số lượng người bị hành quyết tại Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với số ca cấy ghép tạng tại Trung Quốc, hơn nữa số lượng này hầu như không đổi trong khi số ca cấy ghép tăng vọt. Mặt khác, số người hiến tạng tại Trung Quốc vẫn chiếm lượng rất hạn chế do quan niệm văn hóa của người dân. Như vậy, biện giải trên của Trung Quốc về nguồn gốc của các nội tạng là không hợp lý.
Trong khi đó, các tù nhân lương tâm là đối tượng dễ bị bức hại nhất. Họ bị tước đoạt quyền lợi và không thể lên tiếng, trong khi chính quyền Trung Quốc có thể dễ dàng coi họ như các tử tù và sử dụng họ làm nguồn cung cấp nội tạng.
Do việc lấy nội tạng từ các tử tù của Trung Quốc vốn bị cộng đồng quốc tế lên án, chính quyền Trung Quốc dường như muốn hợp lý hóa nguồn nội tạng này nhằm né tránh những chỉ trích. Trong một phát biểu với báo chí, ông Hoàng Khiết Phu, Giám đốc Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc, khẳng định rằng chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu toàn bộ các bệnh viện ngưng sử dụng nội tạng lấy từ các tử tù bị hành quyết từ đầu năm 2015, theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin hôm 10/3.
Ông Hoàng Khiết Phu khẳng định: “Công nghiệp hiến tặng nội tạng của Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, với việc hiến tặng tự nguyện là nguồn cung cấp nội tạng duy nhất”, RFI trích dẫn. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, các chuyên gia quốc tế nghi ngờ cam kết này vì các nội tạng có thể sẽ được xếp thành loại “hiến tặng”.
Cộng đồng quốc tế lên tiếng
Một cuộc mít-tinh kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Capitol Hill, Hoa Kỳ năm 2003 (Ảnh: minghui.org)
Dù có những cáo buộc và bằng chứng rõ ràng về hoạt động mổ cướp nội tạng, Trung Quốc vẫn là nước khó bị lên tiếng chỉ trích do sức ảnh hưởng từ vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và là một trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Liên Hợp Quốc đã có một số động thái xử lý vấn đề mổ cướp nội tạng, mặc dù với một cách thức manh mún. Ông Manfred Nowak, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc, nói rằng báo cáo điều tra đầu tiên về mổ cướp nội tạng của ông David Kilgour và ông David Matas đã cho thấy một “sự việc rõ ràng, gây quan ngại” và đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc có “giải thích đầy đủ về nguồn gốc của các nội tạng dùng để cấy ghép”.
Vào tháng 3/2007, Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc tiến hành “một cuộc điều tra độc lập” về các vấn đề nêu trong báo cáo Kilgour-Matas. Tuy nhiên tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất kỳ báo cáo điều tra nào về việc này.
Từ năm 2012 đến năm 2014, hiệp hội DAFOH đã gửi một đơn thỉnh nguyện có chữ ký của hơn 2 triệu người dân thế giới tới Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhưng đã không nhận được phản hồi nào.
Dù vậy, các tổ chức nhân quyền và các luật sư nhân quyền quốc tế vẫn kiên trì đấu tranh cho các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.
Trong bức thư gửi Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào ngày 03/8, bốn nhóm nhân quyền quốc tế đã yêu cầu Liên Hợp Quốc thành lập “một nhóm công tác” để chỉ đạo “các nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt các hình thức lạm dụng cấy ghép như du lịch ghép tạng, chấm dứt việc thu hoạch cưỡng bức nội tạng từ các nạn nhân không tự nguyện đồng ý hoặc bị giết trong quá trình mua bán nội tạng”.
“Cũng như những người khác, tôi sẽ tiếp tục cho đến khi nào hoạt động [mổ cướp nội tạng] này chấm dứt”
– Luật sư Kilgour phát biểu trong bộ phim tài liệu ‘Thu hoạch người’
Larry Ong, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Mai Lan biên dịch, tổng hợp
Không có nhận xét nào