![]() |
Tranh minh họa |
Sáng nay, Sài Gòn ứ ự mưa.Thảo nào, sớm ra vườn gã thấy một cặp vợ chồng sên dắt díu nhau... chạy tìm chỗ ráo.Thấy cặp tình nhân này …chạy maraton mà sốt cả ruột.
Điện thoại réo. Đến ngay.
Gã vẫn thường gọi người đàn bà có khuôn mặt đặc thù Quảng Nam ấy, gọn lỏn là...bà.
Gã đến nhà, chỉ gọn câu chào: Bà! Thế là nghe bà cất cái giọng "Quảng Nôm" “đẹc” sệt: Cau, thèng Veng. Thế thôi. Cau tức là bạn gã nhà thơ Đỗ Nam Cao, chàng rể quý của bà, Veng đương nhiên là gã.
Bà. Khi đến.
Bà. Khi về.
Bà thường cười rõ tươi với gã, và giữa cái khoảng "đến" và "về" ấy bà hay vịn đủ lí do tìm cách kéo gã ở lại dùng cơm .
Bà ơi, bây giờ con phải thú thật với bà nhá, cái thời đói khổ của một thằng độc thân bụi bặm thì "ăn cơm trực" là…"nghề" của con.
"Veng è", gã như thấy bà đội nắp quan tài kia nói, tao biết, mày đi ăn cơm trực để tiết kiệm tiền gửi cho cha mẹ già của mày rồi, vậy nên tao mới kéo mày… “eng”.
Bây giờ ngôi nhà trên đường Nguyễn Thị Huỳnh vắng thêm một người nữa. 4 năm trước Đỗ Nam Cao ra đi.
Trước khi Cao mất, gã tới, lúc ấy bà đã 97 tuổi rồi, cố leo lên lầu nói với thằng rể: Mày ráng ăn cơm. Chỉ cơm mới thương mày. Cao nhắc lại lời bà rồi cố tủm tỉm cười mà rớm nước mắt. Gã chưa thấy thằng rể nào thương mẹ vợ như Cao. Mà làm sao không thương, không yêu bà cho được?
Khi gã gặp bà ở chân cầu thang, bà nói, Thằng Cao vẫn “lèm”thơ.
Gã bên Cao. Những ngón tay thịt bị rút ráo, chỉ còn xương.Thế rồi như để quên giờ kết thúc cuộc đời mình sắp điểm, Cao thì thào trong nước mắt đọc lại những câu thơ của Cao mà Cao có vẻ thích nhất.
Trường Sa ư, với ngày thường xa thật
Đảo ơ đâu tôi có hỏi đâu mà
Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
Đảo mới gần mới thật đảo của ta.
Một lần bà già độp nhiên hỏi tao về Hòang Sa, Trường Sa. Vì câu hỏi ấy của bà già mà tao viết câu thơ ấy.
Gã hỏi Cao có làm bài thơ nào tặng bà không ?
Cao cố sức đọc thật to mấy câu thơ như muốn cho bà nghe được.
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Sao không gọi mẹ Cuội ơi
Sao không gọi cái yếm sồi xửa xưa
Mẹ còn ăn bát riêu cua
Thì thừa sữa ngọt nuôi vua mọi thời…
Lúc đó gã chưa hiểu hết cái ý nhị gửi trong những câu thơ này. Cao không giải thích. Chơi với Cao, chỉ thấy Cao chuyện nước non, chứ không bao giờ nghe Cao kể về mình, về vợ mình, về mẹ vợ mình.
Lúc chia tay, gã kể bà có nói ông vẫn “lèm” thơ. Đọc đi.
Có không trong cõi vĩnh hằng
Có cô cắt cỏ, có trăng lưỡi liềm
Có không trong cõi thần tiên
Rượu ngon lại uống, bạn hiền lại chơi
Chỉ còn sờ sợ chút thôi
Có thơ không để tôi rơi xuống trần.
Đó là bài thơ cuối cùng của thằng rể của bà, bà ơi.
***
Gã đến chia tay bà.
Bà ơi, con thật có lỗi với bà, bây giờ thì con mới biết bà tên là Luốt.
Bà ơi con xin bà tha thứ cho sự vô tâm của con, bây giờ con mới biết bà là mẹ Việt Nam anh hùng.
Trước đây con chỉ biết bà có hai đứa con gái bị tù đày, trong đó có Thu Hồng vợ của Cao.
Hết.
Giờ, khi bà về cõi vĩnh hằng với thằng rể quý của bà ,con mới biết bà có ba người con trai đã ngã xuống cho cái ước mơ hòa bình của dân tộc.
Con thắp nhang.
Bây giờ con mới hiểu hết ý nghĩa câu thơ mà trước khi ra đi thằng rể của bà đã đọc cho con nghe:
Mẹ còn ăn bát riêu cua
Thì thừa sữa ngọt nuôi vua mọi thời.
Nhưng rồi lần này gã thấy không phải bà đội nắp quan tài dậy như khi nói : “Veng”, tao biết mày tiết kiệm tiền gửi về cho cho cha mẹ già của mày nên tao mới kêu mày “eng”, mà, lần này gã như thấy bà bật tung nắp quan tài ngồi bật dậy: Xuống đó tao sẽ gặp thằng “Cau”, tao sẽ bảo nó, có thừa sữa tao cũng không bao giờ nuôi những thằng vua nào sất.
Không tiếng kèn ò í e như bao đám tang các bà mẹ nhà quê.
Vang lên trầm hùng khúc nhạc Hồn tử sĩ.
Bà ơi, khúc nhạc này bà đã bao lần nghe khi đón xác các con của bà từ chiến trận về. Bây giờ tới lượt bà. Chả có người mẹ nào thích khúc nhạc này.Sao lúc bà "đi" lại tấu lên khúc nhạc mà bà không hề thích như thế, hở giời?
Khổ nỗi, vì bà là một bà mẹ Việt Nam anh hùng nên lễ tang bà được nhà nước trang trọng tổ chức. Vậy thôi.
Nhưng dù sao, gã nghĩ, bà dù không thích khúc nhạc đã từng tiễn biệt các con trai của bà, vì nó gợi cho bà thêm nỗi xót xa, nhưng bà chắc cũng sẽ yên lòng khi có ai đó trong số những kẻ đưa tiễn bà dù là vì nhiệm vụ, dù là bởi yêu thương, biết nao lòng, biết bâng khuâng trước câu:
Dân đau đáu khóc giang san phải hồi ngửa nghiêng
Cùng nhau khấn non nước thiêng liêng.
10.8.2015.
Lưu Trọng Văn
(FB Lưu Trọng Văn)
Không có nhận xét nào